Những kỷ niệm về mái trường Học viện Cảnh sát nhân dân

Năm 1972 sau khi tốt nghiệp tôi được trường giữ lại và cử đi học lớp đào tạo giáo viên võ thuật khóa 4 do Bộ Công an tổ chức tại An Thụy, Hải Phòng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tôi trở về trường làm giáo viên võ thuật. Thời gian này đất nước còn chiến tranh trường đi sơ tán, điều kiện phục vụ cho dạy và học hết sức khó khăn, cơ sở vật chất hầu như không có gì, lớp mà tôi phục vụ là lớp bổ túc 4 sơ tán ở Tri Phú, bãi tập ở đồi sở và dọc đường 88. Buổi đầu tiên ra lớp tôi vô cùng hồi hộp bởi vì trước một lớp học toàn là những cán bộ đi học có thâm niên công tác, còn tôi mới bước vào nghề, đứng trên bục giảng, ve hàm chỉ một sao không gạch. Thế rồi bằng những động tác hạ khoa mục nhanh mạnh, chính xác tôi đã gây ấn tượng tốt thu hút được học viên hứng thú trong quá trình học tập. Tiếp theo đó là những ngày ra lớp tôi quen dần, vững vàng tự tin đứng trước lớp từ khởi động, hạ khoa mục, uốn nắn từng động tác cho học viên và như thế cứ mỗi lần ra lớp tôi lại nghe học viên thì thầm với nhau: thầy "thiếu tướng" ra lớp làm cho tôi hết sức xúc động cảm thấy tự hào với nghề mình đã chọn, đó là kỷ niệm đầu tiên khi tôi ở lại trường.

- Với 3 nhiệm kỳ làm Bí thư đoàn trường Đại học Cảnh sát nhân dân từ khóa 3 đến khóa 5 đó là khoảng thời gian đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm công tác thanh niên của mình. Với nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, phong trào đoàn viên tham gia nghiên cứu khoa học, phong trào văn hóa, thể thao, phong trào 3 xung kích làm chủ tập thể, phong trào hành quân theo bước chân những người anh hùng. Mỗi phong trào có những đặc trưng riêng của nó, nhưng chung quy lại đó là hoạt động thu hút tuổi trẻ vào các hoạt động tập thể, xây dựng tính tự chủ, năng động sáng tạo, việc gì khó có thanh niên. Lúc bấy giờ ở Suối Hai không có nhà khách, cán bộ đi công tác, phụ huynh đến thăm con không có nơi ở. Trước tình hình đó tôi có đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu cho phép Đoàn thanh niên đứng ra xây dựng "Nhà khách Thanh niên". Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban chấp hành đoàn phát động đoàn viên đứng ra xây dựng Nhà khách Thanh niên, mỗi đoàn viên đóng 10 viên gạch; pa banh vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ đoàn viên đã tận dụng xỉ than tại các lò gạch, xỉ than ở các bếp ăn tập thể để đóng gạch pa banh, đoàn viên thường nói đây là "chiến dịch chung sức". Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 30 nghìn viên gạch pa banh đã hoàn thành và số gạch pa banh đủ để xây dựng nhà khách thanh niên, góp phần giải quyết một số khó khăn lúc bấy giờ. Một hình ảnh mà tôi không bao giờ có thể quên được đó là cuộc hành quân vận chuyển gạch từ Cống Chuốc về trường để xây dựng nhà ở sinh viên. Sau lễ phát động cuộc "hành quân theo bước chân những người anh hùng" gần 3 nghìn đoàn viên ba lô trên vai, tay cầm ngọn đuốc đi dọc đường 88 ra Cống Chuốc, mỗi đoàn viên vận chuyển 10 viên gạch về trường đã tạo một khung cảnh hoành tráng, ánh đuốc đỏ rực từ Cống Chuốc về đến tượng đài Bác Hồ, hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi.

Trong quá trình làm công tác quản lý sinh viên, kỷ niệm mà tôi luôn nhớ mãi đó là mô hình tổ chức quản lý sinh viên. Sau khi nhà trường quyết định thành lập lại phòng Quản lý học viên, tháng 8/1991 lãnh đạo phòng đã đề nghị Ban Giám hiệu cho thành lập các tiểu đoàn và đại đội theo hệ học. Tiểu đoàn 1 hệ đào tạo 5 năm, tiểu đoàn 2 gồm chuyên tu, tại chức, cử tuyển, cao học, các lớp bồi dưỡng và đại đội học viên Lào. Với mô hình này đã đem lại hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý về chính trị, tư tưởng, quản lý học tập, rèn luyện, chế độ chính sách và các phong trào trong sinh viên được lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ đánh giá cao và đã áp dụng trong các trường đại học, trung học Công an nhân dân.

Công tác quản lý sinh viên là công tác quản lý chung của nhà trường, tuy nhiên người trực tiếp quản lý là đội ngũ chủ nhiệm cán bộ quản lý và lãnh đạo phòng. Muốn quản lý tốt ngoài những quy định chung thì người quản lý phải sáng tạo dám đề xuất các biện pháp quản lý như thế nào cho phù hợp trong từng thời gian nhất định. Thời kỳ đó tỷ lệ sinh viên vi phạm kỷ luật khá nhiều chủ yếu là vi phạm điều lệnh, ý thức tổ chức kỷ luật. Nếu vụ nào cũng đưa ra kỷ luật thì tỷ lệ kỷ luật cao ảnh hưởng đến phong trào thi đua của lớp học, khóa học. Lúc đó tôi có đề nghị Ban Giám hiệu cho phép những học viên chưa đến mức kỷ luật thì giáo dục bằng hình thức đứng dưới cờ. Vì vậy trước khi nhận xét sáng thứ 2 hàng tuần, tôi thường kiểm tra số sinh viên vi phạm lúc đó có mặt trong hàng quân không? khi tôi đến khu vực lớp tại chức một học viên bước ra khỏi hàng quân đứng nghiêm báo cáo: “Thưa thầy nếu thầy cho em đứng dưới cờ hôm nay là trưởng Công an phường ngày mai em sẽ nói với dân thế nào đây, em xin thầy” lúc đó tôi nghiêm khắc trả lời đây là quy định đồng chí vi phạm thì phải chấp hành và hôm đó đồng chí đó lên đứng dưới cờ như những học viên khác. Hình thức này đã có tác dụng rất tốt, tỷ lệ kỷ luật của sinh viên đã giảm hẳn. Tuy nhiên với đồng chí đó đến bây giờ tôi vẫn còn băn khoăn phải chăng lúc đó mình quá máy móc chăng?, gần đây có lần tôi thấy đồng chí phát biểu trên ti vi về tình hình an ninh trật tự với cương vị là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân một quận ở trung tâm thành phố Hà Nội.

Trong quá trình quản lý sinh viên điều mà tôi cũng như lãnh đạo nhà trường trăn trở đó là chất lượng học tập của sinh viên. Để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, Ban Giám hiệu yêu cầu sinh viên phải lên lớp học vào các buổi tối có sự quản lý của Phòng Quản lý học viên. Hôm đó vào ca trực của tôi sau khi quan sát học viên xếp hàng lên lớp tôi đi kiểm tra một số lớp rồi trở về phòng trực ban. Vào lúc 21 giờ còn 30 phút nữa mới hết giờ thì có một lớp tự động nghỉ học ra về làm cho một số lớp cũng về theo, tôi yêu cầu lớp trưởng, lớp phó lên báo cáo vì sao cho lớp nghỉ trước giờ quy định, khi tôi hỏi đồng chí lớp trưởng trả lời: vì lớp nói chuyện riêng nhiều không học nên tôi đã cho lớp về sớm. Tôi hỏi thế đồng chí có biết quy định của nhà trường về thời gian học trên lớp vào buổi tối không? đồng chí nói tôi biết nhưng vì anh em không học nên tôi đã cho về. Tôi nói nếu như lớp trưởng nào cũng như đồng chí thì kỷ cương của nhà trường sẽ ra sao? lúc đó vì thái độ ngang bướng của đồng chí lớp trưởng nên tôi đã đứng lên tuyên bố vì ý thức chấp hành chỉ thị của cấp trên chưa nghiêm túc, chưa nhận rõ khuyết điểm của mình, việc làm đó ảnh hưởng đến kỷ cương của nhà trường nên từ giờ phút này đồng chí thôi giữ chức lớp trưởng và tôi cử đồng chí lớp phó lên phụ trách lớp. Ngày hôm sau tôi báo cáo được Hiệu trưởng và đồng chí cũng đồng ý với quyết định của tôi. Trong quá trình làm quản lý đó là quyết định cứng rắn nhất mà tôi đã thực hiện cho đến bây giờ. Mặc dù sau đó đồng chí không còn làm cán bộ lớp nhưng khi lớp đi thực tập, tôi vẫn cử đồng chí làm trưởng đoàn sinh viên thực tập ở một địa bàn và đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện nay đồng chí là cán bộ cao cấp với quân hàm Đại tá công tác ở Bộ Công an.

Đối với tôi 17 năm lãnh đạo phòng Quản lý học viên trong đó có 9 năm là Trưởng phòng đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm trong công tác quản lý sinh viên. Những kỷ niệm đó luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Năm 2001 tôi chuyển về làm trưởng phòng Hành chính tổng hợp đến lúc nghỉ hưu, điều mà tôi tự hào nhất đó là đã góp phần xây dựng phòng Hành chính tổng hợp từ một đơn vị được đánh giá thấp trở thành một đơn vị được đánh giá cao ngang tầm với các đơn vị khác trong Học viện và đến nay đã từng bước khẳng định được vị thế của mình. Điểm mà tôi tâm đắc nhất đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Giám đốc của Học viện trong vai trò lãnh đạo chỉ huy các mặt công tác của Học viện sâu sát và kịp thời. Quan tâm tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nổi bật nhất là mối quan hệ chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, các Tổng cục và công an các địa phương trong công tác đào tạo cán bộ trong và ngoài nước. Phối hợp với Công an Hà Nội giữ gìn an ninh trật tự trong và ngoài Học viện mà trước đây không thực hiện được. Đối với công tác quan hệ quốc tế đã mở rộng giao lưu với lực lượng Cảnh sát nhiều nước trên thế giới, cử cán bộ đi đào tạo đại học và sau đại học, cử các đoàn đi tham quan học tập, hội thảo khoa học ở Nga, Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan. Đặc biệt đã liên kết với trường Đại học Medelen Hoa Kỳ, mở lớp đào tạo Thạc sĩ ở Học viện, phải nói rằng đây là một trong những thành công nhất của Học viện trong hợp tác đào tạo cán bộ cho lực lượng CSND từ đó từng bước khẳng định vị thế của mình trong các trường đại học trong và ngoài ngành

Nhân dịp Học viện được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, tôi vô cùng tự hào là cán bộ đã công tác và trưởng thành tại Học viện. Với những kỷ niệm đáng nhớ của mình dù rất nhỏ nhưng cũng là tiếng nói góp phần khẳng định vị thế của Học viện trong gần 45 năm qua. Tôi tin tưởng rằng Học viện sẽ vững bước tiến lên, thế hệ sau sẽ hơn thế hệ trước giữ vững và phát huy vai trò là trung tâm đào tạo chất lượng cao của lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng, lực lượng Công an nhân dân nói chung là mái trường mà chúng tôi luôn hướng về nơi đó Học viện Cảnh sát nhân dân.

 

Đại tá, TS. Nguyễn Ngọc Hưng
Nguyên Trưởng phòng hành chính tổng hợp - Học viện CSND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Liên kết website