Một ngày cuối thu năm 2007, cùng với quyết định trúng tuyển khóa Cao học 16, tôi bồi hồi trở lại mái trường thân yêu, gặp lại thầy cũ, bạn xưa sau gần 20 năm xa cách. Học viện Cảnh sát nhân dân (tiền thân là Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương) - cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của lực lượng CAND, địa chỉ gắn bó và trưởng thành của biết bao thế hệ chiến sĩ Công an cách mạng. Đây cũng là nơi thầm lặng mà bền bỉ góp phần làm nên những chiến công vang dội, được đông đảo người dân ghi nhận của lực lượng CAND Việt Nam.
Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến động, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và tiếng gọi tha thiết của trái tim, lớp lớp thanh niên Việt Nam trong đó có tôi – một chàng trai mới 18 tuổi đã quyết định xếp bút nghiên, tạm rời xa ghế nhà trường, tình nguyện xung phong vào lực lượng vũ trang. Được rèn luyện qua những tháng ngày sóng gió trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, năm 1985, tôi rất vinh dự và tự hào được trở thành học viên của trường Đại học Cảnh sát nhân dân (với 315 học viên được chiêu sinh từ khắp các miền quê, Khóa D11 của chúng tôi nhập trường gắn liền với bước chuyển mình cùng bước vào thời kỳ đổi mới).
Nhớ lại những tháng ngày gian nan mà thấm đượm tình người ấy, các cựu học viên Khóa D11 vẫn thường cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm khó phai. Nép mình trên một quả đồi nằm ở khu vực Suối Hai dưới chân Ba Vì, Đại học Cảnh sát nhân dân khi ấy có cơ sở vật chất hết sức khiêm tốn, vừa làm nhiệm vụ đào tạo, vừa huy động mọi nguồn lực để cải thiện điều kiện dạy và học. Thực hiện chủ trương của nhà trường “biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”, các khóa học viên của trường cố gắng khắc phục hoàn cảnh khó khăn, tự giác trau dồi đạo đức, tích lũy kiến thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài những giờ lên lớp trong ngày, thời gian còn lại vào buổi tối được các học viên tận dụng tối đa để tự học. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc mỗi người một ngọn đèn dầu, lên thư viện, xuống hội trường hoặc vào lớp mình, miệt mài tự nghiên cứu tài liệu. Thật tự hào là đúng giai đoạn ấy, mặc dù là “lính mới” song lớp Cảnh sát khu vực Khóa D11 của tôi được nhà trường chọn để làm điểm trong cuộc vận động xây dựng mô hình “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” do ngành Công an và ngành Giáo dục phối hợp thực hiện. Được tín nhiệm bầu làm B.Trưởng, tôi cùng với tập thể lớp đã nỗ lực phấn đấu học tập, tu dưỡng, xây dựng tình cảm đoàn kết gắn bó trong đơn vị, phấn đấu trở thành người Công an cách mạng. Không chỉ làm tốt trong lớp mình, chúng tôi còn chủ động kết nghĩa với Khoa Chính trị Mác-Lênin, nhân rộng những kinh nghiệm hay, thúc đẩy quá trình đào tạo, giảng dạy, tự học để nâng cao trình độ. Kết thúc khóa học, lớp Cảnh sát khu vực Khóa D11 được nhà trường khen ngợi, đánh giá cao với thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu tập thể xã hội chủ nghĩa.
Năm 1990, tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân với tấm bằng loại khá, tôi được phân công về nhận nhiệm vụ Cảnh sát khu vực thuộc Công an phường Ngô Thì Nhậm- quận Hai Bà Trưng. May mắn được nhận phần công việc theo đúng chuyên môn được đào tạo, tôi thầm hứa sẽ làm tốt công việc, mang những kiến thức đã được các thầy cô truyền đạt trong trường áp dụng có hiệu quả vào đời sống thực tế . Một bài học quý báu được lớp lớp các thế hệ Công an nhân dân ghi nhớ là luôn làm tốt công tác vận động quần chúng, phát huy xung quanh khu vực Chợ Hôm - Đức Viên, một địa bàn phức tạp, nhiều tệ nạn, trộm cắp, móc túi; tôi không quản ngày đêm lăn lộn cùng cơ sở, vận dụng sáng tạo những bài học tiếp thu được trên ghế nhà trường vào cuộc sống, vận động bà con quanh phường cùng xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Khi phong trào phát huy tác dụng cũng là lúc nạn nữ quái móc túi ở Chợ Hôm - Đức Viên được dẹp bỏ, môi trường xung quanh trở lại trong lành, bà con phấn khởi, yên tâm mỗi khi đi chợ. Tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, mô hình cụm dân cư tiên tiến số 2 của Phường Ngô Thì Nhậm (địa bàn do tôi quản lý) đã trở thành điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc của quận Hai Bà Trưng, được nhiều đơn vị bạn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 18 năm gắn bó với lĩnh vực Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực An ninh trật tự, những kiến thức toàn diện do thầy, cô truyền đạt cùng với các kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ thực tế đã giúp tôi trưởng thành.
Gần 20 năm phấn đấu, trưởng thành từ mái trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND) thân yêu, hình ảnh và tấm lòng nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô vẫn luôn khắc ghi trong tôi cũng như bao thế hệ học viên của trường. Mặc dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn, cơ sở đào tạo còn hạn chế song các cán bộ, giảng viên của trường luôn cố gắng vượt qua mọi khó hăn, truyền thụ cho học viên những kinh nghiệm, kiến thức về mọi mặt. Chính những lời chỉ bảo chân tình của thầy cô, tình thầy trò thiêng liêng cao cả đã góp phần chắp cánh cho những ước mơ cũng như mỗi thành tích trong công tác, mỗi chiến công của chúng tôi sau này. Chúng tôi luôn tự hào khi được học tập, rèn luyện tại mái trường đào tạbao Sĩ quan hàng đầu của ngành Công an – chiếc nôi đào tạo nên những người chiến sĩ Công an cách mạng vừa hồng vừa chuyên, xứng đáng với 6 lời dạy của Bác Hồ. Gặp lại thầy, cô giờ đây mái đầu đều đã điểm bạc, tình thầy trò hòa quện với tình đồng chí, các thế hệ học sinh của trường quyết tâm mang những kiến thức đã tiếp thu được phát huy hiệu quả trong thực tế công tác, thiết thực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Trung tá Nguyễn Hồng Thái
Phó Trưởng Công an quận, Long Biên - Hà Nội, Cựu sinh viên D11