Đời người nói chung và cuộc đời của mỗi con người nói riêng luôn vận động, phát triển như thời gian và theo quy luật sinh tồn của con người. Trên dòng chảy cuộc đời ấy, dù tất cả chúng ta muốn níu kéo, kìm chế cho thời gian chậm lại nhưng vì quy luật của tạo hóa, cho nên cuộc đời cứ trôi và nối tiếp trôi đi, để đến khi nhìn lại, mới thấy rằng năm tháng đã qua rất nhanh. Chúng tôi, thuộc thế hệ những thanh niên tham gia ngành Công an vào những năm cuối của cuộc chiến tranh vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược, thế mà thấm thoát đã gần 35 năm trong ngành Công an và gần 30 năm trong nghề nhà giáo của lực lượng Công an nhân dân, nhiều năm gắn bó với ngành và với nghề mới cảm nhận được nỗi đam mê nghề nghiệp của mình.
Nghề nhà giáo cũng như đời người, từ chập chững, lớn lên, trưởng thành và phát triển cũng theo quy luật của cuộc đời. Mới ngày nào, chúng tôi còn chập chững vào nghề thế mà đến nay, nhìn lại bạn bè với những mái đầu điểm bạc, nhiều người đã nghỉ hưu mới cảm nhận được thời gian quý giá làm sao. Giờ đây, với cương vị của một nhà giáo, của người lãnh đạo, quản lý công tác tại trường Đại học CSND ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng kỷ niệm thuở bắt đầu làm thầy vẫn mãi mãi theo tôi với những kỷ niệm về mái trường xưa, Trường Đại học CSND Ba Vì Hà Nội (tiền thân của Học Viện CSND ngày nay)
Chúng tôi, những sinh viên Khóa D6 Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh) về nhận công tác tại trường Đại học CSND năm 1979, trường nằm bên bờ Suối Hai một vùng đất khô cằn, sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt nhưng đượm tình khoai sắn, tình người mộc mạc, đơn sơ. Con người ở đây sống với nhau chân tình, có cảm giác như cuộc đời chỉ để sống, để yêu thương, chia ngọt xẻ bùi với nhau. Suối Hai ngày ấy là những kỷ niệm vui buồn, lắng đọng. Suối Hai ngày nay đã trở thành một địa danh quen thuộc, là một khu du lịch nghỉ mát lý tưởng của tỉnh Hà Tây. Ngày 30/7/1979 là một ngày kỷ niệm không bao giờ quên đối với chúng tôi, 15 sinh viên Khóa D6 ra trường lên nhận công tác. Tâm trạng của chúng tôi khi nhận quyết định lúc đó thật suy nghĩ, lo âu vì vẫn không thể hiểu mình sẽ làm thầy giáo như thế nào. Không ai sinh ra là để làm nhà giáo và cũng rất ít ai sinh ra có thể sớm nghĩ trong tuổi thơ của cuộc đời, mình sẽ trở thành nhà giáo. Tôi đến với trường Đại học CSND và trở thành thầy giáo cũng rất giản dị và đơn sơ vì đó là thực hiện nhiệm vụ do ngành Công an phân công đối với sinh viên khi ra trường. Quyết định phân công công tác của Bộ được công bố và tôi là một trong số hơn 150 sinh viên được phân công về tăng cường cho hệ thống các trường trong ngành Công an và là một trong 15 sinh viên về Trường đại học CSND. Tôi được phân công làm giáo viên pháp luật và thế là từ đó cuộc đời đã gắn bó tôi với nghề Nhà giáo trong lực lượng Công an. Những tháng năm vất vả của đời sinh viên mới ra trường gắn liền với những kỷ niệm về ngôi trường đó. Tuy chỉ cách Hà Nội gần 60 km, nhưng đi lại rất khó khăn do phương tiện ít ỏi. Cảnh lính mới ra trường không nói thì mọi người cũng thấy những khó khăn bề bộn, cho nên lúc đầu không khỏi ảnh hưởng đến tư tưởng và chất lượng công tác. Nhiều người đã nảy sinh ý định và xin chuyển vùng công tác và một số đồng chí đã ra đi, những anh em ở lại đã gắn bó với núi đồi, nhà trường. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng bù lại là có được tình cảm đồng chí, đồng đội bù đắp nên thời gian cứ trôi đi theo năm tháng. Lòng yêu ngành giúp chúng tôi yêu nghề và chúng tôi đã nguyện phấn đấu không ngừng cho lý tưởng và hoài bão của mình. Sau 10 năm công tác, tôi được tăng cường về làm giáo viên pháp luật cho Trường Cao đẳng CSND ( nay là Trường ĐHCSND – TPHCM) đến nay. Đã gần 30 năm sau kỷ niệm của ngày ra trường, nhìn lại những bước đi trong cuộc đời nhà giáo, nhiều khi cũng cảm thấy không tin được sự gian nan, vất vả, nhưng dù có đi đến đâu và mãi mãi tôi vẫn không quên được mái trường xưa, nơi đầu tiên tôi công tác đã rèn dạy tôi nên người và đã cho tôi ý chí vươn lên để có được ngày hôm nay. Mỗi khi có điều kiện gặp lại bạn bè và cựu sinh viên đã học tập tại trường, chúng tôi lại bồi hồi, nhớ lại, nhớ về những kỷ niệm của mái trường xưa. Nhớ lại những người thầy thuộc thế hệ đàn anh đi trước đã dìu dắt, giúp đỡ chúng tôi thuở nào. Càng nghĩ, tôi thấy rất tự hào và thầm nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa cho xứng đáng với những gì mà các thế hệ đàn anh đã giành cho những nhà giáo trong lực lượng CAND nói chung và trong lực lượng CSND nói riêng.
Mới đây, khi có dịp về thăm Học viện CSND, thấy cơ sở khang trang, những giảng viên trẻ ngồi làm việc trong những căn phòng lịch sự, đầy đủ tiện nghi. Lòng tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện. Ngày hôm nay, tuy đất nước và Ngành còn nhiều khó khăn, nhưng thế hệ các bạn trẻ bước vào nghề giáo cũng rất may mắn hơn nhiều so với thế hệ chúng tôi, thế hệ nhà giáo Công an âm thầm, cần cù, trầm tư ngồi nghiên cứu trong những mái nhà tranh, bên ngọn đèn dầu lúc mất điện. Đâu còn những ngày lao động nghĩa vụ hăng say, để có thêm rau xanh, ngũ cốc tăng cường cho bữa ăn hàng ngày. Nhớ lại những ngày lên lớp bụng cồn cào, khát khô cổ họng, trưa chiều về với bữa cơm đạm bạc, rau muống già chấm nước muối pha, cắn miếng bánh bo bo đau răng nhưng vẫn thấy ấm lòng …Thế hệ chúng tôi ngày ấy vô tư quá, không một đòi hỏi cao sang. Tất cả đã trở về quá khứ, không muốn nhắc lại, nhưng không nói ra thì các bạn trẻ chắc hẳn không thể cảm nhận được. Khó khăn như vậy, nhưng tinh thần lao động của các nhà giáo thật đáng kính nể, tất cả tự giác lao động, nghiên cứu với phương châm truyền thống “biết 10 giảng 1”, không ai bảo ai, tất cả đều tự giác làm việc bằng 10, cho mình và cho sự nghiệp. Hình ảnh những người thầy, những người anh của Trường Đại học CSND năm xưa mãi mãi là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo và nguyện mình cũng sẽ cố gắng, đem hết tinh thần và nghị lực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo mà các thầy, các anh đã gieo mầm. Cho đến hôm nay, dù chưa thật xứng đáng với những mong muốn của các thầy, các anh và yêu cầu của xã hội, nhưng chúng tôi cảm thấy mình không hổ thẹn vì đã cố gắng rất nhiều trong những năm tháng đã qua.
Ngày nay, công tác giáo dục đào tạo đã có những đòi hỏi mới, cao hơn, xa hơn, những đòi hỏi đó buộc mỗi người chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, tích cực chuyển mình hơn mới có khả năng đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường Đại học CSND Hà Nội, tiền thân của Học viện CSND ngày nay, với tư cách là một người thày, một người anh đã có những năm tháng đi trước các thế hệ nhà giáo trẻ, giảng viên mới vào nghề hiện nay, chúng tôi chỉ mong rằng: Các bạn hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến uy tín và danh dự nhà giáo của mình để không ngừng học hỏi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm và nhân cách nghề nghiệp, không ngừng học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng nói chung và sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Với tư cách là một học viên đã từng học tập nghiên cứu sinh tại Học viện CSND nay đã trưởng thành, chúng tôi muốn gửi đến các bạn sinh viên, học viên Học viện CSND lời nhắn nhủ, các bạn hãy cố gắng, chuyên cần học tập, nghiên cứu để có thể nắm vững tri thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng , ngành Công an và nhân dân giao phó. Các bạn cần phải tiếp tục học tập cao hơn, chuyên sâu hơn để trở thành lực lượng nòng cốt trong lực lượng CSND. Chúng tôi hy vọng rất nhiều ở các bạn và xin gửi tới các bạn đôi dòng suy nghĩ chân thành này.
Đại tá, PGS.TS.Trịnh Văn Thanh
NGƯT. Phó Hiệu trưởng - Trường Đại học CSND