Hành trình từ Suối Hai về Sông Nhuệ

Nơi tôi được nhận công tác tiền thân là “Phòng giáo tổ”, một cái tên hàm chứa bao nhiêu điều bí ẩn nhưng tìm hiểu qua các bậc tiền bối, được biết khi ấy tổ chức nhà trường còn sơ khai, các đơn vị phòng ban còn chưa được phân định rõ chức năng mà chỉ nhóm lại theo từng loại công việc gồm giáo vụ, tư liệu và giảng dạy một số môn văn hoá. Mãi đến tháng 3/1975 mới được đổi tên Khoa Văn hoá- Ngoại ngữ do bác Hồ Đắc Khánh, một “cây đa cây đề” làm Trưởng khoa. Dân gian Việt Nam đúc kết nhiều câu thành ngữ mà ngàn năm sau vẫn vẹn nguyên giá trị, trong đó có câu “Chưa quên cái dại đã già”. Hôm nay, ngồi hồi tưởng lại càng thấy thấm thía, thấy ông cha mình không chỉ đánh giặc giỏi, giữ nước giỏi, mà còn truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị tinh thần vô giá. Chuyện chẳng là, khi mới ra trường với đồng lương “còi” hàng tháng trong khi nhu cầu thì quá “ sung mãn”, nào chi ăn, chi mặc, chi học chi hành, đấy là chưa kể đến đoạn “tình phí”….cho nên cứ khoảng từ trăng khuyết đến là lại “tiên khồng”. Vì vậy, cứ mỗi lần lĩnh lương thấy bác Trưởng khoa nhận được trên một trăm đồng mà cánh trẻ cứ tần ngần đắm đuối nhìn theo. Biết ý cánh trẻ đang muốn “so bì”, có một lần lĩnh lương xong, bác Trưởng khoa đưa tập tiền lương về phía chúng tôi và vui vẻ nói: “Tớ đổi cho các cậu đấy”. Cánh trẻ anh em chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau chưa biết chuyện gì xảy ra thì bác nói tiếp: “Tớ đổi lương cho các cậu, các cậu đổi tuổi thanh xuân cho tớ”. Bấy giờ anh em chúng tôi mới chợt hiểu, đối với mỗi con người tuổi thanh xuân còn quý hơn cả tiền bạc.

Vâng! đúng như vậy, thế mà thấm thoát ngần ấy thời gian bây giờ nhớ lại câu nói của bác Trưởng khoa ngày nào mà hôm nay mình lại trong hoàn cảnh như vậy. Viết lại những kỷ niệm này, như được thắp một nén nhang thơm để tưởng nhớ bác Trưởng khoa đã quá cố, cũng như những lời tri ân với những người đã dìu dắt chúng tôi bước những bước đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp cùng đồng đội, học tập, công tác và cống hiến.

Năm tháng sẽ trôi đi theo quy luật của nó, nhưng những kỷ niệm một thời về Suối Hai - “Sơn thuỷ hữu tình” thì mãi gắn với thế hệ chúng tôi, những ngày tháng gian khó nhưng đầy ắp niềm vui, tự hào và những kỷ niệm đáng nhớ. Nơi tôi ở trước đây là dãy nhà tranh tựa lưng vào con đập ngăn nước tưới cho cả khu vực trung du. Suối Hai - một cảnh đẹp kỳ vĩ, nên thơ làm nao lòng biết bao thi sĩ, hiền dịu là vậy, nên thơ như thế đấy nhưng con người ở đó thật anh dũng, ngoan cường đã trở thành thương hiệu khó quên về một vùng quê của “cô gái Suối Hai, chàng trai Cảnh sát”, khi Tổ quốc cần thì họ sẵn sàng hi sinh.

Thế rồi do yêu cầu phát triển, chúng tôi phải chia tay với vùng đất nổi tiếng với truyền thuyết “Sơn tinh – Thuỷ tinh” về bên sông Nhuệ – vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi đã từng sinh ra nhiều tướng tài, sĩ giỏi và nổi tiếng với những làng nghề truyền thống. Những ngày đầu mới về với dòng sông đã bồi đắp những cánh đồng hoa muôn màu thơm ngát, những bãi mía ngọt thẳng cánh cò bay. Hoa thơm là vậy , mía ngọt như thế nhưng thầy trò chúng tôi vẫn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để xây dựng trường mới. Bên này là tiếng thầy cô sang sảng truyền đạt kiến thức cho lớp lớp sinh viên, ngoài kia là tiếng máy khoan, máy xúc đang hối hả tấp nập dựng xây những ngôi nhà mới. Đối với thế hệ chúng tôi, những người từng sống ở Suối Hai thì chẳng ai lại không nhớ đến món sắn luộc, món chuối tiêu mà đã thành vè mỗi khi liên hoan gặp mặt “Liên hoan có lạc có chuồi… ”. Thế rồi về bên sông Nhuệ thì lại gặp xôi đỗ đen, được gọi là “Xôi ” nhưng chẳng dám ăn cũng chẳng dám nhìn ấy là “Ruồi”. Không biết tự bao giờ người Việt ta đã khéo chê bai những người vô ý “Tự nhiên như ruồi”. Quả thật, đó là những khách không mời mà cứ lũ lượt kéo đến. Chẳng là một hôm tôi có anh bạn từ nội thành biết tin gia đình tôi mới chuyển từ Suối Hai về đây, vội đến thăm, thức ăn thiết đãi bạn là đĩa đậu trắng, chủ và khách lâu ngày gặp mặt hân hoan trò chuyện, quên ăn nhưng đến khi dùng thì đĩa đậu trắng đã ngả màu loang lổ, lổn nhổn, chổ trắng chổ đen. Anh bạn tôi khôi hài lên tiếng “Cậu học ảo thuật từ bao giờ thế! Tớ tưởng cậu đãi tớ món đậu trắng luộc thế mà chỉ vài câu chuyện cậu đã biến nó thành món rán rồi”. Ngượng ngùng đỏ chín mặt tôi vội cầm đôi đũa đập lia lịa vào bọn “khách không mời” và chống chế “Cậu thấy tài chưa, công an chúng tớ “bách nghệ” lắm đấy”.

Rối ngày qua ngày như những con ong chăm chỉ, thầy trò chúng tôi vừa dạy học, vừa xây dựng trường lớp. Hôm nay, bạn đến với chúng tôi hẳn ngỡ ngàng trước hàng cau vua lừng lững như những lá chắn vững chắc cho những khối nhà cao tầng khang trang, đẹp đẽ. Thời gian trôi đi, thế hệ chúng tôi rồi cũng phải chia tay với mái trường như bao thế hệ đi trước, vì đó là quy luật “Tre già măng mọc”, nhưng những kỷ niệm của chúng tôi chắc hẳn sẽ trường tồn cùng với tên gọi Học viện Cảnh sát nhân dân.

Thượng tá Vũ Duy Kỳ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Liên kết website